Xu hướng cho trẻ làm quen với tiếng Anh ở độ tuổi mầm non
Xu hướng cho trẻ em làm quen với tiếng Anh sớm, ở độ tuổi mầm non (từ 3 đến 6, 7 tuổi), ngày càng trở nên phổ biến ở các nước Châu Á, đặc biệt ở các nước Đông Nam Á.
Theo tờ Nhật báo Tuổi trẻ Trung Quốc, học sinh ở quốc gia này bắt đầu học môn tiếng Anh chính khóa từ lớp 3 bậc tiểu học, tuy nhiên, phần lớn phụ huynh (70% trong số 2003 người được khảo sát) cho con em mình học tiếng Anh từ 3 đến 4 tuổi. Ở Trung Quốc, trẻ em từ 3 đến 6 tuổi học tiếng Anh ở các trung tâm ngoại ngữ dành riêng cho lứa tuổi mầm mon. Tương tự, trẻ em ở Hàn Quốc bắt đầu học tiếng Anh từ năm lớp 3 bậc tiểu học. Song hầu hết các trường mầm non, đặc biệt ở khối trường tư thục, đã tổ chức dạy tiếng Anh cho trẻ mẫu giáo, dạy trẻ làm quen với một số khái niệm cơ bản về toán, đếm, cộng, trừ… bằng tiếng Anh.
Học sinh Nhật Bản học tiếng Anh một cách chính thức khá muộn, bắt đầu từ năm học đầu cấp trung học cơ sở (ở Nhật Bản, trẻ em học 6 năm tiểu học, 3 năm trung học cơ sở, 3 năm trung học phổ thông). Đối với bậc mầm non, theo thống kê năm 2010, có hơn 300 trường mẫu giáo ở các thành phố lớn tổ chức dạy tiếng Anh cho trẻ từ 4 đến 6 tuổi, một số trường triển khai mô hình giáo dục song ngữ, hầu hết các trường còn lại chỉ cho trẻ làm quen với tiếng Anh với thời lượng rất hạn chế. Ở tiểu học, bắt đầu từ lớp 5, học sinh chỉ làm quen với tiếng Anh 1 tiết mỗi tuần. Mục đích chính của các giờ tiếng Anh tại trường mầm non và tiểu học nhằm giúp trẻ bắt đầu có ý thức về sự khác nhau, đa dạng trong ngôn ngữ, văn hóa và trẻ dần làm quen với “nhận thức quốc tế”.
Ở các nước trong khu vực Đông Nam Á, cùng với các chương trình cải cách giáo dục, tiếng Anh nhanh chóng được dạy phổ biến ở hầu hết các bậc học. Xu hướng chung trong việc cho trẻ làm quen với tiếng Anh hay dạy – học tiếng Anh cho trẻ là tăng cường hiệu quả ứng dụng công nghê thông tin, xây dựng môi trường thực hành tiếng Anh tích cực, và triển khai các chương trình song ngữ hoặc dạy một số môn học bằng tiếng Anh. Điển hình như ở Malaysia, Bộ Giáo dục đang triển khai Chương trình giáo dục quốc gia giai đoạn 2013-2025 hướng đến đào tạo “công dân song ngữ”. Theo đó, tiếng Anh được chú trọng trong đào tạo và bồi dưỡng đối với giáo viên mầm non, và tiếng Anh được sử dụng như một công cụ giao tiếp tối thiểu 10 giờ/tuần (600 phút) tại các trường mầm non chưa áp dụng chương trình giáo dục song ngữ. Ở Indonesia, mặc dù Chương trình giáo dục mầm non quốc gia được ban hành năm 2013 chưa có nội dung coi tiếng Anh như một hoạt động giáo dục, tuy nhiên hầu hết các trường mầm non ở các tỉnh, thành phố lớn đã tự phát triển, mở rộng chương trình. Tiếng Anh được đưa thêm vào như một trong các hoạt động giáo dục trong trường mầm non. Thậm chí nhiều trường mầm non có quy mô lớn đã phát triển Tiếng Anh thành một trong các môn học chính và được dạy ngay từ những năm đầu tiên của trường mầm non (ở Indonesia, trẻ học ở trường mầm non từ 3 hoặc 4 tuổi đến 7 tuổi).
Ở Việt Nam, nhu cầu của phụ huynh trong việc cho trẻ mẫu giáo làm quen với tiếng Anh có xu hướng tăng nhanh. Theo số liệu khảo sát trực tuyến do Ban Quản lý Đề án Ngoại ngữ quốc gia thực hiện, tính đến tháng 4 năm 2018, cả nước có hơn 75% các trường mầm non công lập và hơn 20% các trường ngoài công lập đang tổ chức các hoạt động cho trẻ làm quen với tiếng Anh tại trường, tăng 20,3% so với năm 2017, 26,4% so với năm 2016 và 30,5% so với trước năm 2015. Riêng ở thành phố Hà Nội, có trên 49.980 trẻ mẫu giáo tại 396 trường mầm non thuộc địa bàn 12 quận huyện trong thành phố đang thí điểm tổ chức các hoạt động cho trẻ mẫu giáo làm quen với tiếng Anh.
Nhìn chung, theo đánh giá của nhà trường và phụ huynh, hoạt động cho trẻ làm quen với tiếng Anh đang được thực hiện tốt, có sự đầu tư về cơ sở vật chất, nội dung, phương pháp và đội ngũ giáo viên. Trẻ tham gia các hoạt động làm quen với tiếng Anh một cách thích thú, nhẹ nhàng, qua đó góp phần phát triển nhận thức, kĩ năng và sự tự tin trong giao tiếp. Qua khảo sát của các chuyên gia, đã số các ý kiến đóng góp, kiến nghị đều hướng đến hai nội dung:
Thứ nhất, cần có một chương trình cho trẻ mẫu giáo làm quen với tiếng Anh chung, làm định hướng để các địa phương xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể;
Thứ hai, cần đưa hoạt động làm quen với tiếng Anh như một nội dung trong chương trình giáo dục mầm non.
Để có thể thực hiện hoạt động cho trẻ mầm non làm quen với tiếng Anh một cách đồng bộ và hiệu quả theo xu hướng chung của các nước trong khu vực, cần có những hướng dẫn cụ thể và các quy định bổ sung để có thể thực hiện hai nội dung trên./.